Lượt xem: 3622

Đại đức Tăng Hoành Na - Mang tin yêu đến với đồng bào dân tộc thiểu số

Chùa Tân Du (hay còn gọi là Tăng Du) nằm ở vùng sâu của xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tuy cơ sở vật chất đơn sơ nhưng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của đông đảo đồng bào Khmer. Được tín nhiệm chọn làm trụ trì chùa, đại đức Tăng Hoành Na đã thắp sáng và duy trì niềm tin yêu bằng những việc làm ý nghĩa, theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

     Giữ "Đẹp đạo" nên dân tin, dân quý

    Hiện tại, xã Lạc Hòa có tỷ lệ đồng bào Khmer chiếm 54,3%; dân tộc Hoa chiếm 27,9% dân số của xã. Được quan tâm ưu tiên phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội nên hệ thống kết cấu hạ tầng, đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét. Để góp phần tạo nên những đổi thay, đại đức Tăng Hoành Na cùng với Ban quản trị chùa tích cực phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số cùng đoàn kết thực hiện các phong trào thi đua vì sự văn minh, tiến bộ.


Đại đức Tăng Hoành Na (người đứng thứ 3 từ trái qua phải) tích cực phối hợp với biên phòng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự vùng biên giới biển. Ảnh Ngọc Diễm

    Trong công tác phật sự, đại đức luôn lấy gương Bác làm thước đo và thực hiện thường xuyên như "rửa mặt hàng ngày". Việc làm hiệu quả nhất của đại đức Tăng Hoành Na là truyên truyền, động viên phật tử tích cực làm ăn, xây dựng gia đình văn hóa, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông Thạch Hươl - ấp Đại Bái A cho biết: "Đại đức Tăng Hoành Na rất quan tâm chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số từ vật chất đến tinh thần. Mỗi khi dịp lễ, tết, đại đức sắp xếp khuôn viên chùa khang trang, sạch đẹp để bà con đến viếng thuận tiện, an toàn; tìm nguồn tài trợ tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo. Đại đức luôn có tấm lòng từ bi, luôn làm nhiều việc tốt nên ai cũng tôn trọng, quý mến và tin tưởng".

    Theo đại đức Tăng Hoành Na, xã Lạc Hòa là khu vực biên giới biển, nên công tác phối hợp với Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng, tuyên truyền để nhân dân cảnh giác âm mưu lợi dụng những khó khăn về kinh tế của đồng bào Khmer, để kích động, gây rối cũng là nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, phối hợp xây dựng, củng cố người có uy tín trong cộng đồng dân cư để lực lượng này trở thành trung tâm đoàn kết, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn biên giới biển. Trung tá Trương Minh Hùng - Chính trị viên Đồn Biên phòng Vĩnh Hải thông tin: "Thời gian qua, đại đức Tăng Hoành Na đã phối hợp chặt chẽ với biên phòng trong nhiều mặt công tác. Điển hình nhất là chủ động đấu tranh đối với những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn".

    Tiếp sức ước mơ nâng cao tri thức

    Từng sống trong cảnh nghèo, không có điều kiện đến trường, khi 16 tuổi, đại đức Tăng Hoành Na vào chùa Tân Du tu để học đạo, học chữ, nên rất tâm huyết trong chăm lo học chữ cho đồng bào Khmer. Theo lời ông Hàn Đinh - Trưởng Ban quản trị chùa Tân Du, từ khi nhận nhiệm vụ trụ trì chùa, đại đức Tăng Hoành Na đã xây mới, tu bổ sala, phòng học, thư viện và chăm lo tốt việc học của sư. Đối diện chùa là trường cấp 3 được xây dựng khá khang trang, gồm 15 phòng học, 10 phòng chức năng với diện tích gần 9.000 mét vuông, đất đó do chùa hiến tặng. Hàng năm, có gần 400 học sinh ở các xã Vĩnh Hải, Lạc Hòa và Phường 2 của thị xã Vĩnh Châu đến học. Trước đây, muốn học cấp 3, con em đồng bào Khmer phải lên thị xã Vĩnh Châu, có gia đình vì nghèo nên cho con nghỉ. Vì thế, ngôi trường đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao trình độ dân trí trong đồng bào Khmer vùng sâu, vùng xa ở thị xã Vĩnh Châu.

    Bên cạnh đó, vào dịp hè, đại đức cũng tổ chức dạy chữ Khmer cho con em phật tử tại chùa, duy trì thường xuyên khoảng 30 - 50 học sinh. Ngoài ra, mỗi năm đại đức còn hỗ trợ chi phí học tập ít nhất cho 2 học sinh nghèo học giỏi thi đỗ đại học. Đối với các sư trong chùa, đại đức Tăng Hoành Na cũng tạo điều kiện để họ trang bị một kiến thức và nền tảng đạo đức căn bản để sống tốt hơn. Hiện nay, chùa có 2 sư đang theo học ở Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ, 2 sư học ở Học viện Phật giáo Nam tông Khmer thành phố Cần thơ, 2 sư học ở Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và 2 sư học thạc sĩ ở trong nước và ngoài nước.

    Đại đức Tăng Hoàng Na quan niệm rằng, “tri thức là tài sản vô giá” nên ai có chí cầu tiến trong học hành đều được đại đức hết sức, hết lòng giúp đỡ. "Bản thân tôi cũng không ngừng học tập thông qua các đợt quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng, thông tin lý luận và thực tiễn mới do địa phương tổ chức. Sinh thời, Bác Hồ đã từng xem mù chữ là "giặc dốt" cần phải diệt, Người cũng là tấm gương về tinh thần tự học mà chúng ta phải soi rọi và học hỏi suốt đời" - đại đức Tăng Hoành Na chia sẻ.

    Chùa Khmer là nơi tôn nghiêm, nơi truyền đạt giáo lý của đạo Phật cho thanh thiếu niên Khmer tu học, để trở thành những người “tốt đời, đẹp đạo”, có tri thức và đức hạnh phục vụ cộng đồng xã hội. Đồng thời còn được coi như một thiết chế văn hóa trong cộng đồng dân cư, là nơi sinh hoạt văn hóa Phật giáo, văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian cho bà con phật tử vào các dịp lễ, tết. Hiểu được giá trị này, nên từ khi nhận nhiệm vụ là trụ trì chùa vào năm 2004, đại đức Tăng Hoành Na luôn đề cao tinh thần trách nhiệm để những truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Nam tông Khmer không bị phai mờ trong thời kỳ hội nhập.

    Bằng tâm huyết của mình, đại đức Tăng Hoành Na cho biết, sẽ không ngừng phát huy vai trò là cầu nối, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với dân, giúp dân hiểu được sự quan tâm chăm lo bằng chính sách dân tộc, tôn giáo. Đại đức Tăng Hoành Na cũng mong muốn, các cấp, các ngành quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer.

    Với những việc làm ý nghĩa của mình, đại đức Tăng Hoành Na được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc về thực hiện phong trào xã hội hóa; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện "Ngày biên phòng toàn dân"; Giấy khen của Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu về thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị; cùng nhiều bằng khen, giấy khen về thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
Ngọc Diễm


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 86
  • Hôm nay: 1787
  • Trong tuần: 71,120
  • Tất cả: 11,865,147